TextHead

Đang tải...

TextBody
Tiếng Việt English
Hotline
Về đầu trang

Công đoàn Sông Đà 11 - 50 năm xây dựng và phát triển

 

Tiền thân là Đội điện nước trực thuộc Công trường Thủy điện Thác Bà được ra đời sau ngày thành lập Công trường thủy điện Thác Bà (ngày 01/6/1961), năm 1972 được nâng cấp và đổi tên thành Công trường Cơ điện Thủy điện Thác Bà. Từ năm 1976 Cán bộ đoàn viên, công nhân viên Công trường Cơ điện hăng hái tham gia xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Công trường được đổi tên thành Xí nghiệp Lắp máy Điện nước. Năm 1984 được nâng cấp thành Công ty Xây lắp Điện nước. Từ năm 1986, cùng với sự thay đổi lớn lao của đất nước khi chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa cũng là lúc hàng ngàn cán bộ và người thợ của Công ty phải đối mặt trước nguy cơ thiếu việc làm và đã có hơn 400 người phải thôi việc, nghỉ theo chế độ 176. Ðây có thể coi là giai đoạn khó khăn, tổn thất về lực lượng của Công ty. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó để củng cố, xây dựng lực lượng bước vào một thời kỳ mới. Công ty được đổi tên thành Công ty Xây lắp Năng lượng và nay là Công ty cổ phần Sông Đà11.
Mầu áo truyền thống Sông Đà có mặt trên khắp các công trình
Giai đoạn từ khi thành lập (1961) đến năm 1975, cùng với cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cán bộ đoàn viên, công nhân viên Công trường Cơ điện vừa tham gia xây dựng công trình thủy điện Thác Bà - Công trình thủy điện lớn nhất miền Bắc khi đó (công suất 110 MW), và là một trong những công trình điện mở đầu cho công cuộc phát triển điện khí hóa đất nước - đây cũng là công trình thủy điện đầu tiên, cánh chim đầu đàn của ngành Thủy điện Việt Nam. Nhiệm vụ của Công trường Cơ điện lúc đó là thi công xây lắp, vận hành hệ thống đường dây và trạm biến áp, các trạm bơm nước, cung ứng điện, nước, khí nén phục vụ thi công và sinh hoạt cho toàn bộ công trường Thủy điện Thác Bà, đồng thời vừa sẵn sàng chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bảo vệ công trình, bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN. Công trường Cơ điện đã có hàng trăm đoàn viên, công nhân viên tham gia nhập ngũ, tham gia lược lượng tự vệ và đã có những đồng chí anh dũng hy sinh ngay tại công trường trong lúc làm nhiệm vụ. Cũng trong giai đoạn này Công đoàn Công trường Cơ điện tích cực vận động đoàn viên, CBCNV ra sức thi đua lao động sản xuất, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tiến độ công trình góp phần sớm đưa Nhà máy thủy điện Thác Bà vào hoạt động. Trong thời kỳ bao cấp, điều kiện kinh tế đất nước có nhiều khó khăn công đoàn Cơ điện đã vận động đoàn viên, công nhân viên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua lao động cộng sản, phong trào thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang, phong trào tăng gia chăn nuôi góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã có nhiều tấm gương lao động sáng tạo và quên mình như anh Nguyễn Huy Kỷ, anh Dương Thế Ênh, anh Phạm Văn Đích, anh Trần Phương Phổ, chị Vũ Thị Lợi, chị Lê Thị Mát v.v... đã được phong tặng các danh hiệu thi đua cao quý, góp phần xây dựng nên truyền thống đoàn kết thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trong mọi điều kiện khó khăn gian khổ nhất.
Đấu nối hệ thống bơm thoát nước hố móng công trình Thủy điện Lai Châu
Giai đoạn từ 1976 đến 1994 cùng với Đại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình - nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông Nam Á - công suất 1.920 MW với tám tổ máy. Chính trong thời gian này, Công trường Cơ điện được đổi tên và nâng cấp lên thành Công ty Xây lắp Năng lượng và nhiệm vụ của Công ty trong giai đoạn này là: thi công xây lắp, quản lý vận hành toàn bộ hệ thống đường dây và trạm điện, nước, khí nén, thông tin phục vụ thi công và sinh hoạt trên toàn Công trường Thủy điện Hòa Bình, nhiệm vụ lớn gấp hơn 20 lần giai đoạn xây dựng công trình thủy điện Thác Bà. Trong thời kỳ này, không thể kể hết những khó khăn chồng chất cũng như những trở ngại mà tập thể CBCNV của Công ty đã phải vượt qua để cùng với Tổng Công ty Sông Đà biến giấc mơ từ nghìn đời của cha ông ta thành hiện thực: “Chinh phục dòng sông Ðà”. Và cũng tại công trình này, xuất hiện nhiều tấm gương lao động xuất sắc, quả cảm của những người thợ Sông Ðà, như: Nguyễn Đăng Bí, Đào Văn Tẩu, Trịnh Xuân Tĩnh, Nguyễn Văn Thú, Nguyễn Hữu Phùng, Trần Đình Hải, Đinh Văn Nhân, … Đồng thời, đây còn là nơi trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ đã và đang đảm nhận những cương vị trọng trách của Tổng Công ty và nhiều đơn vị, Bộ ngành trong cả nước.
Sau Thủy điện Hòa Bình, hậu Sông Đà là thời kỳ hết sức khó khăn; trong giai đoạn này Công đoàn Công ty đã thường xuyên quan tâm và có nhiều cố gắng chăm lo đời sống của đoàn viên, công nhân viên nhưng do tình hình khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài, giá cả tăng nhanh, giá trị lương thực tế giảm, đời sống của đoàn viên, công nhân viên gặp nhiều khó khăn, một bộ phận (hơn 400 người) mất việc làm. Những người thợ Sông Đà của Công ty Xây lắp Năng lượng tiếp tục có mặt trên các công trình như  Thủy điện Vĩnh Sơn, Thủy điện Trị An, Thủy điện Sông Hinh, ... đồng thời Công ty nỗ lực vươn ra thị trường tìm kiếm việc làm, thực hiện đa dạng hóa nghành nghề giải quyết việc làm cho người lao động. Trong tình hình đó, Công đoàn Công ty đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng vận động, tập hợp; lấy chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh làm mục tiêu hoạt động; vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, ổn định tư tưởng trong đoàn viên, công nhân viên, vừa tăng cường kiểm tra giám sát, nhằm thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách Nhà nước đã ban hành; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực quan liêu, cửa quyền, tham ô, bớt xén tiêu chuẩn của người lao động; phát động các phong trào thi đua, khai thác mọi tiềm năng, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Giai đoạn từ năm 1995 đến nay: Công ty được Tổng Công ty Sông Đà giao nhiệm vụ thi công xây lắp, quản lý vận hành toàn bộ hệ thống đường dây và trạm điện, nước, phục vụ thi công và sinh hoạt tại các công trình Thủy điện Ya Ly, Thủy điện Sê San 3, Sê San 3A, Thủy điện Tuyên Quang, Bản Vẽ, Sê San 4, Sơn La, Lai Châu. Ðặc biệt, tại công trình Thủy điện Sơn La - Thủy điện lớn nhất Ðông Nam Á, Công ty đã hoàn thành mục tiêu tiến độ được giao góp phần phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12-2010, sớm hơn hai năm so với tiến độ do Quốc hội phê duyệt. Ðây thật sự là một kỳ tích to lớn của những người thợ Sông Ðà nói chung và có sự đóng góp của Công ty cổ phần Sông Đà 11 nói riêng. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ thi công xây lắp các công trình thủy điện do Tổng Công ty giao, Công ty còn mở rộng và phát triển sang lĩnh vực thi công xây dựng tham gia vào các công trình công nghiệp (xi măng Bút Sơn, Hạ Long, Vị Thanh, xí nghiệp khai thác và nghiền đá tại Lương Sơn - Hoà Bình, …), tham gia thi công xây dựng hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam và các trạm biến áp 500kV Hòa Bình, Pleiku, đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm, 500kV Thường Tín - Quảng Ninh; 500KV Sơn La - Hiệp Hòa - Nho Quan, … góp phần đưa các công trình trên vào vận hành đúng tiến độ, làm gia tăng sản lượng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ tăng trưởng giá trị SXKD bình quân trong các năm 2001 - 2011 là trên 30%. Năm 2012 mặc dù tình hình kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, nhưng Tổ hợp Công ty cổ phần Sông Đà 11 vẫn hoàn thành kế hoạch với tổng giá trị SXKD đạt 1.204 tỷ đồng tăng gấp gần 15 lần so với năm 2001, lợi nhuận gần 50 tỷ đồng. Trong suốt hơn 10 năm qua mặc dù tình hình đất nước nói chung có nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn duy trì ổn định và phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm cho hơn 1000 CBCNV, thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước, đời sống được cải thiện và nâng cao. Hoạt động của Công đoàn Công ty trong giai đoạn này tiếp tục được đổi mới Phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, trọng tâm là thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo với mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, văn hóa doanh nghiệp; phong trào xanh - sạch - đẹp; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường; phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, xây dựng đội ngũ công nhân có chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường , đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Công tác phát triển đoàn viên , xây dựng cơ sở công đoàn vững mạnh được chú trọng, trong 10 năm qua đã kết nạp hơn 800 đoàn viên. Tính đến nay Công đoàn Công ty có 1420 đoàn viên với 5 Công đoàn cơ sở thành viên và 7 Công đoàn bộ phận trực thuộc. Liên tục nhiều năm qua Công đoàn Công ty hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình, được công nhận là tổ chức Công đoàn cơ sở vững mạnh, được Tổng Liên đoàn và Công đoàn ngành Xây dựng tặng bằng khen.
Người thợ Sông Đà 11 chinh phục tầm cao trên công trình đường dây 220kV Hủa Na - Thanh Hóa
Có thể nói, lịch sử phát triển của công đoàn Sông Ðà 11 luôn gắn liền với các công trình trọng điểm của đất nước. 50 năm - một chặng đường vinh quang và rất đỗi tự hào của mỗi người con Sông Ðà nói chung và Sông Đà 11 nói riêng. Ngày nay, nhắc đến truyền thống vẻ vang của Sông Ðà 11 phải nói đến các nét truyền thống đặc trưng, đó là: Truyền thống lao động dũng cảm, cần cù, thông minh và sáng tạo; Truyền thống trung thực, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của mọi tập thể và cá nhân trong đơn vị - Ðây là nguồn gốc cơ bản để tạo nên sức mạnh của công đoàn Sông Đà 11 qua nhiều thế hệ; Truyền thống về tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, sự tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, giữa tập thể và cá nhân trong cộng đồng Sông Ðà 11 qua nhiều thế hệ; Truyền thống thi đua yêu nước, luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; Truyền thống say mê học tập, nghiên cứu khoa học, không ngừng vươn lên, nâng cao trình độ về mọi mặt.
Hà nội, tháng 2 năm 2013
Ban Biên tập

 

TextFooter
Thông báo
Đóng